“Hoàng Đế Nội Kinh” là loại sách y học, tùng thư, tự thuật khoa y học ở thời thượng cổ ra đời sớm nhứt thế giới, cách đây trên bốn ngàn sáu trăm năm. Sách này chia ra làm hai phần:
Phần đầu thuộc về nguyên tắc của Sách Linh Khu, luận về Giải Phẫu Học và Châm Cứu Học.
Phần sau thuộc về nguyên tắc của sách Tố Vấn, luận về Sinh Lý Học, Bịnh Lý Học và Chẩn Đoán Học.
Đại khái, nội dung của toàn bộ HOÀNG ĐẾ NỘI KINH chỉ chú trọng trên học thuyết, chuyên luận về NGUYÊN TẮC TRỊ LIỆU, mà không đề cập đến PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU. Lấy sự động biến đổi lập của hai khí âm dương, hỗ tương sinh trưởng, hỗ tương hủy diệt của Ngũ Hành và hiện tượng SINH, TRƯỞNG, THU, TÀNG, tân trần đại tạ của bốn mùa làm biện chứng cho luận thuyết – Đề cập đến vấn đề vệ sinh và miễn dịch thì chú trọng trên TINH THẦN VỆ SINH và TÂM LÝ MIỄN DỊCH. Cứu cánh lại lấy phương pháp điều tiết liệu năng làm cơ bản lập luận.
Sách HOÀNG ĐẾ NỘI KINH tuy đáng quý thật nhưng vì văn chương cổ áo mà lại ra đời quá sớm, trải qua rất nhiều thời đại nên không tài nào tránh khỏi cái nạn “tam sao thất bổn” và người sau đem ý kiến riêng của mình phụ hội vào, khiến cho ngọc đá xô bồ, vàng thau lẫn lộn…Nếu không chọn lọc lại cẩn thận, xưa sao nay vậy, cứ ôm trọn cả bộ sách tối cổ điển kia ra làm Sách Đông Y Giáo Khoa, bắt kẻ học phải ăn tươi nuốt sống, thì nhất định không tài nào tiêu hóa nổi. Kẻ học không lĩnh hội nổi cũng là việc thường, thậm chí có nhiều chỗ người dạy cũng không biết đường nào mà giảng giải.
Sách HOÀNG ĐẾ NỘI KINH hoàn thành trên một tư tưởng nhất quán, tổ chức trên một học thuyết hoàn bị, là nền tảng văn hóa học thuật của Đông Y, là kinh điển y gia, cũng như Ngũ Kinh, Tứ thư của Nho gia, Đạo đức knh của Đạo gia vậy. Thế nên người đời sau muốn biên soạn các loại Y thơ xây dựng thêm những tòa lâu đài mới cho Đông Y, tất phải xây dựng trên nền tảng này (Nội Kinh), muốn nghiên cứu Y học cũng phải nghiên cứu theo học thuyết này (Nội Kinh).
(Trích dẫn trong LỜI NÓI ĐẦU của Nguyễn Đồng Di – Đông Y Sĩ – Đầu mùa xuân năm Canh Tuất 1970)